Data Center đang trở thành loại hình đầu tư thay thế được giới đầu tư săn lùng.
Trong bối cảnh làn sóng chuyển đổi số được đẩy mạnh hậu đại dịch, các trung tâm dữ liệu (Data Center) đang trở thành loại hình đầu tư thay thế (Alternative Assets) đầy hấp dẫn.
Động lực từ WFH
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, đang có các động lực chính đằng sau sự leo thang về nhu cầu trung tâm dữ liệu trên thế giới. Đó là nhu cầu về việc sử dụng máy tính và các công cụ kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi quy mô lớn sang làm việc tại nhà (WFH) của nhiều doanh nghiệp và tổ chức.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa bao giờ trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hơn lúc này. Trong đợt dịch bùng phát lần đầu tiên, từ tháng 2 đến giữa tháng 4/2020, lưu lượng truy cập internet toàn cầu đã tăng gần 40%, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng về phát trực tuyến video, hội nghị trực tuyến, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội.
Dữ liệu của Savills trong quý I/2021 cho thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ số đã tăng đáng kể so với lượng tăng của thập kỷ trước. Riêng trong năm 2020, 59% dân số toàn cầu đã được kết nối internet so với chỉ 26% của năm 2010. Lưu lượng internet toàn cầu cũng lên gấp 12 lần.
Hiện nay, phần lớn các thiết bị công nghệ được áp dụng vào mục đích quản lý và giám sát. Theo Cisco Systems, đến năm 2023, giao tiếp giữa các thiết bị điện tử (Machine To Machine – M2M) sẽ chiếm tới 50% trong số 14,7 tỉ kết nối. Năm 2018, M2M đã chiếm 33% trong số 6,1 tỉ kết nối toàn cầu. Các ứng dụng mới xuất hiện từ việc triển khai 5G sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của kết nối M2M trong 2 năm tới.
Lượng dữ liệu thu thập được cũng đồng thời tăng với tốc độ chưa từng có với sự phát triển không ngừng của internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế ảo (AR) hay blockchain. Đến năm 2026, quy mô của thị trường dữ liệu toàn cầu dự kiến đạt 251 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 4,5%.
Cơ sở hạ tầng điện toán đám mây đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép các doanh nghiệp và chính phủ nhanh chóng áp dụng các giải pháp để ứng phó với đại dịch. Theo khảo sát toàn cầu của Snow Software với 250 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin vào tháng 6 năm ngoái, 82% người được hỏi cho biết họ đã tăng cường sử dụng đám mây để cho phép làm việc từ xa, trong khi 45% người được hỏi có kế hoạch đẩy nhanh năng lực hệ thống đám mây của họ.
Sức hút trung tâm dữ liệu
Thông thường, các trung tâm dữ liệu sở hữu ngoại hình không bắt mắt. Các toà nhà này thường lớn, hình hộp và không có gì đặc biệt. Nhưng đây được xem là bất động sản hấp dẫn vì rất cần thiết cho cuộc sống ngày nay, cung cấp mọi thứ cho con người, từ mua sắm trực tuyến đến làm việc tại nhà.
Tỉ suất sinh lợi của trung tâm dữ liệu khá hấp dẫn và được xem là loại hình đầu tư an toàn. Tại Mỹ, thị trường có tính thanh khoản cao nhất, lợi suất cơ bản dao động từ 4-12%. Ở Nhật, lợi suất từ trung tâm dữ liệu chính nằm trong khoảng 4-5%, ở Châu Âu từ 5-7%, Singapore 6-7%, Malaysia 7-7,5% và Trung Quốc 8-12%. Đáng lưu ý, tỉ suất sinh lợi của trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn so với các khoản đầu tư truyền thống như văn phòng. Tỉ suất sinh lợi của thị trường văn phòng tại Thượng Hải là 5,5%, tại Singapore là 3%.
Trong 3 năm qua, các tổ chức tư nhân không chuyên đã chậm rãi tham gia vào thị trường đầu tư trung tâm dữ liệu, bao gồm các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) nói chung, nhà quản lý đầu tư, nhà đầu tư tổ chức, quỹ tài sản… Dòng vốn đầu tư này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong các năm tới.
Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trung tâm dữ liệu toàn cầu. Technavio ước tính trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 14% giai đoạn 2019-2023.
Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ… Và có gần 30 doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ trung tâm dữ liệu và đám mây, có thể kể đến Hanoi Telecom, FPT, CMC, Viettel IDC…
FPT có kế hoạch đưa vào khai thác trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với diện tích 10.000m2, tổng vốn đầu tư 177 tỉ đồng tại TP.HCM và trung tâm dữ liệu tại Hà Nội với vốn đầu tư 213 tỉ đồng. FPT còn đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu 150 tỉ đồng tại quận 9, TP.HCM và trung tâm dữ liệu 40 tỉ đồng tại Đà Nẵng. Viettel IDC đã có 5 trung tâm dữ liệu trên cả nước với diện tích 25.000 m2 và sẽ xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội (4ha) và TP.HCM (3ha).
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, thế giới đang diễn ra cuộc chuyển đổi số nên nhu cầu đưa hệ thống, ứng dụng lên đám mây ngày càng lớn. Do vậy, Việt Nam cần có những trung tâm dữ liệu lớn, tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn về hệ thống, an toàn về dữ liệu, đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như Microsoft, Google, Amazon…
“Tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm gần đây của thị trường đám mây tại Việt Nam khoảng 40-45%, trong khi tăng trưởng trung bình của thế giới là 29%. Dự kiến đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam duy trì mức 40%, còn trung bình thế giới được dự báo vẫn từ 25-29%”, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC, chia sẻ.
Tất nhiên, đại dịch sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này lên một tầm cao mới. “Đông Nam Á chứng kiến các thị trường ở những giai đoạn phát triển khác nhau và tất cả đều có những năng lực rất khác nhau, bất kỳ sự thiết lập nào của hệ sinh thái trung tâm dữ liệu sẽ diễn ra không đồng đều ở các quốc gia này. Với giả thiết rằng điện toán đám mây là một động lực thúc đẩy nhu cầu lưu trữ dữ liệu đáng kể, sự sẵn sàng của thị trường này có ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của phân khúc trung tâm dữ liệu”, ông Troy Griffiths nhận định.
Nam Minh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư