Sản lượng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2018 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Theo báo cáo vừa công bố của IHS Markit, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI)) của Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp, đạt 54,7 điểm trong tháng 4 so với 53,6 điểm trong tháng 3. Số liệu mới nhất cho thấy các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất cải thiện đáng kể và đây là mức cải thiện mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.
Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng trong tháng 4 với các dấu hiệu cho thấy khách hàng đã sẵn sàng đặt những đơn hàng lớn hơn trước, trong bối cảnh nhu cầu nói chung đã cải thiện và khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ tám liên tiếp và tốc độ tăng là nhanh nhất trong gần hai năm rưỡi. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu quốc tế cải thiện.
Các công ty đã tăng số lượng nhân công để tăng sản lượng. Việc làm đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và đây trở thành mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Tuy nhiên, mức tăng năng suất là không đủ để không làm tăng lượng công việc tồn đọng trong 15 tháng do số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Cùng với việc tăng số lượng nhân viên, các công ty cũng tăng mạnh hoạt động mua hàng. Những người trả lời khảo sát cho biết việc tăng mua hàng hoá đầu vào là để vừa đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, vừa tăng hàng dự trữ nhằm hỗ trợ cho tăng sản lượng trong các tháng tới.
Kế hoạch tăng dự trữ hàng nhìn chung đã thành công trong tháng 4, với cả tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm đều tăng. Trong cả hai trường hợp, tốc độ tăng là mạnh và nhanh hơn so với cuối quý I.
Có một số dấu hiệu cho thấy mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng đã bớt nghiêm trọng trong tháng 4. Trong khi thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục kéo dài, mức độ suy giảm năng lực của người bán hàng là nhỏ và nhẹ nhất kể từ tháng 9 năm trước. Ở những nơi thời gian giao hàng bị kéo dài, có những báo cáo nhắc đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và những khó khăn trong khâu chuyển hàng toàn cầu.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng tiếp tục làm giá cả đầu vào tăng. Mức độ tăng chi phí vẫn lớn và chỉ chậm hơn một chút so với tháng 3. Về phần mình, các công ty tăng mạnh giá bán hàng, với tốc độ tăng giá nhanh hơn và trở thành mức nhanh nhất trong gần một thập kỷ.
Kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ vẫn được kiểm soát dẫn đến nhu cầu tăng và việc đưa ra các dòng sản phẩm mới, đã hỗ trợ niềm tin của các công ty về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới.
Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, Andrew Harker chia sẻ: “Áp lực lạm phát vẫn cao khi giá cả đầu ra tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy mức độ trầm trọng của những khó khăn trong chuỗi cung ứng có thể giảm bớt và hy vọng điều này sẽ giảm một phần áp lực lên giá cả”.
Kim Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư